Nôn ở trẻ em là hiện tượng không còn quá xa lạ với các bậc phụ huynh. Nôn ở trẻ có thể là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm. Vậy cha mẹ hãy theo dõi bài viết dưới đây nhằm hiểu thêm những căn bệnh nào là nguyên nhân gây nôn ở trẻ em để có những phương pháp xử lý kịp thời.
Nôn ở trẻ em là hiện tượng khó chịu cực điểm, cơ hoành co thắt từng đợt làm cho các chất trong dạ dày bị đẩy lên thực quản và tống ra ngoài miệng
Nôn ở trẻ em thế nào là bình thường và bất thường
Ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh hệ tiêu hóa còn non nớt và chưa ổn định nên nôn trớ bình thường có thể xảy ra ngay sau khi trẻ ăn, uống sữa, vận động, ngay cả đi ô tô, khóc cũng khiến trẻ nôn trớ. Bình thường hiện tượng nôn trớ này sẽ hết sau từ 6 – 24 giờ mà các mẹ không phải áp dụng bất cứ biện pháp nào. Nếu trẻ nôn trớ mà vẫn phát triển bình thường, tăng cân đều thì cha mẹ không phải lo lắng trong trường hợp này
Nếu trẻ nôn trớ kèm theo các dấu hiệu bất thường dưới đây thì cha mẹ nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời vì rất có thể trẻ đã mắc một bệnh nguy hiểm nào đó
- Trẻ nôn trớ kèm theo đau bụng quằn quại
- Nôn trớ mà bụng chướng lâu không khỏi
- Trẻ nôn và luôn trong trạng thái lơ mơ hoặc trong trạng thái kích thích
- Nôn trớ kèm theo co giật
- Nôn trớ liên tục, nôn liên tục trên 24 tiếng mà không có dấu hiệu đỡ
- Nôn và cơ thể có dấu hiệu mất nước nặng như khô môi, khóc không ra nước mắt, tiểu ít hoặc không tiểu
- Nôn trớ kèm máu hoặc nôn ra mật xanh mật vàng
- Nôn trớ kèm sốt cao
- Nôn trớ không ngừng trong tháng đầu sau sinh và cứ ăn vào là nôn trớ
Những căn bệnh là nguyên nhân gây nôn ở trẻ em
Nôn ở trẻ em kèm một số dấu hiệu bất thường là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm, vậy những căn bệnh nào gây nôn ở trẻ em? dưới đây là những căn bệnh nguy hiểm thường thấy:
Lồng ruột gây nôn ở trẻ em
Lồng ruột là hiện tượng khúc ruột phía trên di chuyển và chui vào khúc ruột phía dưới hoặc có thể ngược lại. Lồng ruột rất nguy hiểm vì nó làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột. Có đến 80-90% các bệnh nhân bị lồng ruột là trẻ dưới 1 tuổi.
Khi bị lồng ruột trẻ thường sẽ gặp các cơn đau bụng và ngày càng nặng hơn.
Trẻ la hét, khóc to hơn, co chân hoặc uốn cong mình mỗi khi cơn đau xuất hiện
Trẻ bị nôn trớ, đi ngoài phân nhầy, kèm theo máu, vã mồ hôi, mệt lả, sau khoảng một vài giờ trẻ sẽ có dấu hiệu mất nước như mắt trũng sâu, miệng khô
Tắc ruột gây nôn ở trẻ em
Tắc ruột ở trẻ là hiện tượng ruột trẻ bị xoắn lại, tình trạng này rất hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm cần phải đưa trẻ đi cấp cứu ngay. Khi bị tắc ruột trẻ thường có các biểu hiện:
- Đau bụng đột ngột, đau bụng dữ dội
- Nôn vọt, nôn ra mật xanh mật vàng
- Trẻ không đại tiện được
- Người trẻ nhợt nhạt, vã mồ hôi, tình trạng bệnh ngày càng xấu đi
- Hẹp phì đại môn vị gây nôn ở trẻ em
Môn vị là đoạn nối liền dạ dày với tá tràng, hẹp phì đại môn vị là tình trạng cơ vòng môn vị bị phì đại lên gây hẹp đường tiêu hóa khiến thức ăn không thể di chuyển đến đường ruột khiến trẻ khó chịu, thường xuyên nôn trớ, nôn ói kéo dài không khỏi, đại tiện ít, có dấu hiệu mất nước như mắt trũng, thóp đầu bị lõm.
Ngộ độc thức ăn cũng gây nôn ở trẻ em
Khi ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, thức ăn ô thiu, thức ăn không hợp vệ sinh tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào đường ruột khiến trẻ nôn trớ, nôn ồ ạt, có thể xuất hiện tiêu chảy
Ngoài ra các bệnh như viêm ruột, nhiễm trùng tiết niệu cũng là nguyên nhân gây nôn ở trẻ em