Khi thấy bé nhà mình có chiều cao / cân nặng ít hơn so với các bạn đồng trang lứa, nhiều bậc phụ huynh đã hết sức lo lắng, liệu bé có bị suy dinh dưỡng hay không. Tuy nhiên, ở mỗi lứa tuổi, các bé sẽ có những tiêu chuẩn riêng mà bố mẹ nên biết. Nhằm giúp các bậc phụ huynh theo dõi được sự phát triển của con, Tổ chức y tế Thế giới đã đưa ra bảng chiều cao, cân nặng chuẩn của trẻ gái/ trai để mẹ có thể tham khảo.
Mục lục
Quá trình phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ
Trước khi biết được bảng đo chiều cao, cân nặng chuẩn của trẻ thì cha mẹ cần nắm được quá trình phát triển chiều cao, cân nặng của bé diễn ra như thế nào.
Chiều cao và cân nặng của cả bé trai/bé gái đều tăng lên một cách nhanh chóng trong những năm đầu đời. Khi trẻ lên 1, chiều cao có thể tăng 25cm và cao nhất con có thể đạt tới 75cm. Cân nặng của bé cũng tăng theo, gấp rưỡi so với cân nặng khi bé sinh ra. Sang đến năm thứ 2, có thể tăng thêm khoảng 10cm mỗi năm và cho đến năm 10 tuổi trở đi, trẻ chỉ tăng thêm trung bình 5cm.
Tuổi dậy thì là khoảng thời gian trẻ phát triển vượt bậc cả về chiều cao và cân nặng. Do độ tuổi dậy thì ở bé trai và bé gái khác nhau, nên chiều cao tăng lên cũng khác nhau, ở bé gái từ 9 – 11 tuổi sẽ tăng thêm 6cm, còn bé trai sẽ tăng 7cm / năm khi bước vào tuổi 12 – 14.
Thế nhưng, trẻ càng lớn thì chiều cao của bé sẽ tăng chậm lại, một số trẻ mỗi năm chỉ tăng thêm 1 – 2cm, thậm chí có khi chiều cao không thay đổi. Chiều cao không phát triển nữa khi ở tuổi 23 đến 25.
Chính vì vậy, trong khoảng thời gian đầu đời, việc cung cấp năng lượng, chất dinh dưỡng đầy đủ cho bé rất quan trọng, là tiền đề để bé phát triển tốt nhất ở tuổi dậy thì.
Tại sao cần theo dõi chiều cao, cân nặng của trẻ?
Chiều cao và cân nặng của con là 2 chỉ số được mẹ quan tâm và theo dõi chặt chẽ ngay từ khi sinh ra. Trẻ biếng ăn, còi xương, chậm lớn luôn là điều mẹ lo lắng. Bên cạnh đó, những lời nhận xét, so sánh của mọi người xung quanh khi con không bụ bẫm, nặng cân như các bé cùng trang lứa cũng là điều khiến mẹ buồn phiền. Do đó, việc theo dõi cân nặng và chiều cao của con sẽ giúp mẹ:
Theo dõi tình trạng cơ thể của trẻ
Suy dinh dưỡng là tình trạng trẻ thiếu cân. Ngược lại, khi trẻ có số cân nặng vượt quá phạm vi cho phép là dấu hiệu của trẻ béo phì. Sự phát triển của trẻ bị ảnh hưởng dù trẻ thừa cân hay thiếu cân.
Theo dõi tình trạng dinh dưỡng của bé
Mẹ có thể dự đoán được chế độ ăn uống hàng ngày của bé đã phù hợp chưa dựa vào chiều cao, cân nặng của trẻ. Khi thiếu photpho và canxi, chiều cao của bé sẽ thấp hơn các bạn. Cần bổ sung năng lượng khi trẻ còi xương hay suy dinh dưỡng.
Bé có đang bị bệnh trong người
Bé đang bị bệnh, cơ thể khó chịu cũng khiến cho bé lười ăn nên việc thiếu hụt các chất dinh dưỡng khiến chiều cao và cân nặng của trẻ không đạt tiêu chuẩn.
Phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường của bé
Ngoài việc phát hiện vấn đề, mẹ cũng có thể đưa ra cách để cải thiện chiều cao và cân nặng của con ở mức tốt nhất.
Bảng chiều cao, cân nặng của trẻ
“Con tôi có chiều cao, cân nặng như thế này thì có đạt tiêu chuẩn không bác sĩ?” là câu hỏi mà chúng tôi nhận được rất nhiều trong các buổi tư vấn về dinh dưỡng cho bé. Do đó, bảng đo chiều cao, cân nặng của trẻ là một trong những tiêu chuẩn tốt nhất có thể giúp mẹ biết về tình trạng thể chất và sức khỏe của bé.
Dựa vào những nghiên cứu công bố về chiều cao và cân nặng trung bình của trẻ theo mỗi độ tuổi khác nhau, WHO – Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra bảng chiều cao cân nặng chuẩn của bé trai và bé gái. Tuy nhiên, mỗi quốc gia khác nhau, chỉ tiêu sẽ có sự thay đổi để phù hợp với trẻ trong nước. Dưới đây là bảng chiều cao, cân nặng của bé gái và trai dựa vào bảng số đo của WHO 2007, hiện nay được sử dụng phổ biến để đánh giá và theo dõi sức khỏe cho bé tại nước ta.
Trong đó:
- TB (Trung bình): Nếu chiều cao trẻ nằm trong cột này, theo tiêu chuẩn của WHO trẻ đang phát triển bình thường
- Kết quả nhỏ hơn -2SD: Bé bị thiếu cân, suy dinh dưỡng
- Kết quả lớn hơn -2SD: Bé quá cao (theo chiều cao) hay béo phì (theo cân nặng).
Để đánh giá sự phát triển của trẻ, ngoài việc so sánh với bảng chiều cao, cân nặng chuẩn trên thì cha mẹ có thể dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau. Thế nhưng, bố mẹ cần chú ý khi theo dõi cân nặng của bé ở mỗi độ tuổi nhất định.
Khi trẻ trong độ tuổi 0 – 5 tuổi
Trong độ tuổi này, bé bắt đầu làm quen với mọi thứ xung quanh đồng thời là giai đoạn phát triển nhanh nhất. Bố mẹ cần chú ý đến 3 chỉ số:
- Chỉ số chiều cao tính theo độ tuổi: Nếu so với mức trung bình chiều cao của bé < –2SD thì trẻ đang bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.
- Chỉ số cân nặng tính theo độ tuổi: So với mức trung bình, trẻ chỉ đạt 80% nếu cân nặng của bé < –2SD. Kết quả này cho thấy trẻ đang bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân.
- Chỉ số cân nặng tính theo chiều cao: So với mức trung bình, cân nặng của trẻ < –2SD thì khả năng cao trẻ đang bị suy dinh dưỡng, lúc này chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của bé cần được mẹ chú ý và thay đổi.
Khi trẻ trong độ tuổi 5 – 15 tuổi
Đây được gọi là “thời điểm vàng” để bé phát triển, trong đó có chiều cao. Bên cạnh việc dựa vào bảng chuẩn trên, các mẹ có thể áp dụng chỉ số BMI. Vậy chỉ số này là gì, có ý nghĩa như thế nào?
Chỉ số BMI hay nhiều người còn gọi là chỉ số khối lượng của cơ thể, chỉ số đo chiều cao cân nặng chuẩn của mỗi người. Thông qua chỉ số này, mẹ có thể theo dõi cân nặng và chiều cao của bé có phù hợp hay không, nếu chưa thì tìm ra phương pháp giúp thay đổi cho phù hợp.
Công thức tính BMI rất đơn giản, mẹ có thể áp dụng ngay để theo dõi cho bé, dựa vào 2 chỉ số là cân nặng và chiều cao
Vậy BMI ở trong khoảng nào là hợp lý? Dưới đây là bảng phân loại mức độ gầy – béo của trẻ dựa vào chỉ số BMI
Thông qua chỉ số này, cha mẹ có thể biết được tình trạng của con, bé có đang bị béo phì hay suy dinh dưỡng hay không. Từ đó, mẹ sẽ tìm ra phương pháp tốt nhất để giúp con phát triển chiều cao và cân nặng.
Khi trẻ 15 đến 18 tuổi
Ở độ tuổi này, cơ thể trẻ dần hoàn thiện để thành người lớn, chỉ số BMI cũng được dùng để xác định thể trạng của bé.
- BMI < –2SD: Bé cần bổ sung dưỡng chất do có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
- Nếu chỉ số chiều cao tính theo tuổi < – 2SD (nghĩa là trẻ chỉ đạt ≈ 90% so với tiêu chuẩn bình thường): Kết quả này cho thấy bé đang bị suy dinh dưỡng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao, cân nặng của trẻ
Để trẻ có thể đạt được chiều cao, cân nặng lý tưởng như trên thì cha mẹ cần chú ý đến các yếu tố ảnh hưởng đến bé. Dưới đây là một số yếu tố mà mẹ cần quan tâm
Gen di truyền
Khi sinh ra, trẻ sẽ nhận được một số đặc điểm di truyền từ cả bố và mẹ như cân nặng, chiều cao hay nhóm máu,…Như vậy, sự phát triển của trẻ bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Thế nhưng, đây không phải là yếu tố chính tác động đến quá trình phát triển của trẻ, nó chỉ chiếm khoảng 23%.
Chế độ dinh dưỡng
Đây là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển của bé đặc biệt là về thể chất, chiều cao và trí não ở trẻ. Quá trình phát triển cân nặng và chiều cao sẽ bị chậm lại nếu chế độ ăn của bé không hợp lý, thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết. Chính vì vậy, các bé sẽ khó đạt chiều cao và cân nặng chuẩn như bảng chiều cao cân nặng của WHO đã đưa ra.
Ở mỗi độ tuổi, nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ cũng khác nhau. Đối với trẻ sơ sinh, việc bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 12 tháng đầu kết hợp cùng ăn dặm ở tháng thứ 5 trở đi sẽ giúp bé phát triển tốt nhất. Ở trẻ đã biết ăn, trong mỗi bữa ăn, mẹ nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng chính như đường, đạm, khoáng chất và vitamin trong đa dạng các loại thực phẩm. Việc làm này vừa giúp bé mất cảm giác chán ăn, vừa cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Mẹ cũng nên chú ý bổ sung cho bé một số loại thực phẩm có tác động tốt đến trẻ như
- Thức ăn chứa nhiều kẽm: sò, hàu, sữa, gan lợn, lòng đỏ trứng gà, đậu nành,…
- Thức ăn chứa nhiều sắt: đậu đỗ, gan, rau dền, thịt, cá,…
Nếu muốn bé yêu phát triển khỏe mạnh thì việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng là điều cần thiết.
Chế độ sinh hoạt, vận động
Hiện nay, với sự phát triển của thiết bị điện tử, trẻ thường có xu hướng tập trung vào chúng hơn thay cho những hoạt động thể dục thể thao. Rất nhiều cha mẹ dỗ bé bằng cách cho bé ngồi nghịch điện thoại. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh và hệ cơ xương khớp ở trẻ.
Chính vì lý do này, nhiều bậc phụ huynh nên khuyến khích con chơi những trò chơi vận động như đá bóng, bơi lội, chơi cầu lông,…Có cha mẹ chơi cùng cũng là một cách tạo cho trẻ sự hứng thú, trẻ phát triển toàn diện. Ngoài ra, việc tập luyện sẽ giúp hạn chế được nguy cơ thừa cân ở trẻ, trẻ có cân nặng và chiều cao lý tưởng, từ đó, tránh được nhiều bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường hay tim mạch.
Bên cạnh đó, giấc ngủ của con mẹ cũng cần đặc biệt chú ý. Không nên để bé thức quá muộn, chất lượng giấc ngủ sẽ bị ảnh hưởng. Giấc ngủ ngon, sâu rất quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện.
Sức khỏe của mẹ trong thời gian mang thai và cho con bú
Bên cạnh những yếu tố đến từ chính bé thì sức khỏe của mẹ trong suốt thời gian mang bầu và cho con bú cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Trí tuệ, thể chất của con bị tác động không tốt nếu mẹ thường xuyên căng thẳng, stress hay lo lắng. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian này, việc chăm sóc và theo dõi sức khỏe của mẹ là một trong những việc vô cùng quan trọng và cần thiết.
Trong các bữa ăn, nên bổ sung cho mẹ một số loại thực phẩm có chứa canxi, DHA, sắt hay acid folic,…để con có thể phát triển khỏe mạnh và toàn diện.
Bệnh lý mạn tính mà trẻ mắc phải
Có những bạn nhỏ khi mới sinh ra không may đã mắc một bệnh lý mạn tính hay khuyết tật nào đó. Điều này đã tác động xấu đến sự phát triển của bé ngay từ khi sinh ra. Thiếu máu hồng cầu hình liềm – một bệnh mạn tính khiến bé có chiều cao và cân nặng thấp hơn những bạn khác. Đó là một trong những nghiên cứu gần đây nhất được đăng trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, chiều cao của trẻ cũng bị hạn chế nếu trong giai đoạn phát triển, trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng. Chính vì vậy, việc thường xuyên đo chiều cao, cân nặng của trẻ sẽ giúp bố mẹ phát hiện kịp thời một số bệnh ở trẻ nếu có nhằm có các biện pháp điều trị kịp thời.
Sự quan tâm từ gia đình
Một yếu tố mà nhiều mẹ có thể không để ý tới đó chính là sự quan tâm từ chính gia đình mình. Cha mẹ, ông bà, người thân,…thường xuyên tiếp xúc với bé cũng ảnh hưởng đến sự phát triển về chiều cao, cân nặng của trẻ. Thể chất và tinh thần bé sẽ phát triển tốt nếu trẻ luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của gia đình.
Trên đây là bảng chiều cao, cân nặng chuẩn của bé trai / bé gái do Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) đưa ra và là căn cứ giúp mẹ có thể dựa vào đó để xác định chiều cao, cân nặng thực tế của con yêu. Tuy nhiên, chiều cao và cân nặng không phải là 2 chỉ số duy nhất đánh giá sự phát triển của trẻ, mẹ cần chú ý thêm về sức khỏe trí não và tinh thần để bé phát triển toàn diện nhất.