Chun mũi, nháy mắt, tặc lưỡi… là những hành động rất đáng yêu của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu trẻ liên tục có những hành động này thì cha mẹ cần lưu ý, rất có thể bé đã mắc chứng rối loạn tic hay còn gọi là tật máy giật.
Hội chứng rối loạn Tic
Rối loạn Tic là các cử động hay phát âm không tự ý, đột ngột, nhanh, thường xuyên lặp đi lặp lại.
Tic có thể biểu hiện đơn giản (nhanh, vô nghĩa) hoặc phức tạp (có mục đích, tinh vi hơn hay phối hợp).
Các triệu chứng của rối loạn Tic
Có hai loại tic chính, đi kèm là các biểu hiện khác nhau:
– Tic đơn giản: Liên quan đến 1 nhóm cơ bắp. Tic vận động đơn giản bao gồm động tác lắc đầu, nhấp nháy mắt, chun chun mũi (giống như đánh hơi), giật cơ ở cổ, nhún vai (như rụt cổ lại) và nhăn mặt. Tic âm thanh đơn giản bao gồm ho, hắng giọng, hỉ mũi, khịt mũi, tặc lưỡi… loại này ít phổ biến hơn.
– Tic phức tạp: Liên quan đến nhiều nhóm cơ bắp. Tic vận động phức tạp bao gồm hành động tự vỗ vào người, tự cắn, nhảy nhót, giậm chân, xoay tròn… Tic âm thanh phức tạp bao gồm nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh (thường là những câu từ tục tĩu), nhại lại lời người khác.
Theo thời gian, tic đơn giản có thể chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác hoặc tiến triển thành tic phức tạp. Một số tic xảy ra chậm và kéo dài, trong khi số khác lại ngắn gọn và nhanh chóng. Ngoài ra, tic cũng có thể ảnh hưởng tới vận động vùng thân dưới. Trước khi hội chứng tic xuất hiện, người bệnh thường cảm thấy căng thẳng và thôi thúc thực hiện cử động/âm thanh đó để giải tỏa căng thẳng (cảm thấy nhẹ nhõm sau khi thực hiện một tic).
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn Tic
Cũng có nghiên cứu cho rằng, rối loạn Tic do di truyền, do những bất thường trong não hoặc các chất dẫn truyền thần kinh. Hội chứng Tic cũng có thể do đột quỵ, chấn thương đầu, nhiễm trùng, thoái hóa thần kinh, tế bào gai thần kinh và nhũn não…
Phương pháp điều trị hội chứng Tic
Liệu pháp giáo dục hành vi “Đảo ngược thói quen” cho trẻ rối loạn tic
Đây là giải pháp thường được cân nhắc và lựa chọn đầu tiên trong điều trị rối loạn tic bởi tính an toàn hơn so với sử dụng thuốc tây. Các chuyên gia có thể yêu cầu trẻ đứng trước gương và thực hiện các hành động thường gặp khi rối loạn Tic xảy ra trong khoảng 30 phút, 1 – 2 ngày làm 1 lần, cho đến khi rối loạn tic chỉ xuất hiện như một thói quen vận động. Kết hợp với các bài tập thư giãn và đào tạo nhận thức, hiệu quả của phương pháp này có thể thành công tới 64% – 100%.
Thuốc tây giúp làm giảm triệu chứng rối loạn Tic
Với trường hợp rối loạn tic nặng bác sĩ sẽ chỉ định thuốc tây điều trị nhằm tác động tới các chất dẫn truyền thần kinh để giảm triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp trẻ đáp ứng kém với thuốc điều trị, mặc dù dùng thuốc thời gian dài nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Một số phương pháp khác
* Thuốc chống động kinh:
– Piracetam cho thấy khả năng dung nạp tốt và có hiệu quả trong một số nghiên cứu ban đầu.(có là thuốc chống động kinh ko)
– Natri valproate được sử dụng đơn trị hoặc phối hợp với nhóm chống loạn thần.
* Thuốc chống trầm cảm:
Các nhóm thuốc chống trầm cảm khác ít được sử dụng do tác dụng phụ không mong muốn trên tim mạch.
Lời khuyên cho cha mẹ khi con mắc triệu chứng rối loạn Tic
Cha mẹ luôn là mấu chốt trong hầu hết các vấn đề của con cái và để giúp trẻ cải thiện các triệu chứng rối loạn Tic, cha mẹ có thể thực hiện theo những lời khuyên dưới đây:
– Khuyến khích trẻ tham gia những hoạt động thể dục thể thao, hay những công việc mà trẻ yêu thích nhằm thư giãn tinh thần, tạo hứng khởi trong cuộc sống nhờ đó giảm bớt sự căng thẳng, lo âu, chán nản của trẻ.
– Tạo thói quen ngủ đúng giờ, đủ giấc, hạn chế trẻ thức quá khuya.
– Đừng nhắc quá nhiều về những triệu chứng rối loạn Tic trước mặt trẻ, bởi điều này có thể thu hút sự chú ý của trẻ, khiến tình trạng ngày càng tồi tệ hơn.
– Không nói cho trẻ biết khi trẻ có biểu hiện rối loạn tic. Bạn nên trấn an trẻ rằng, mọi thứ đều ổn và không có gì phải xấu hổ cả.
– Hãy cho tất cả những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ biết về bệnh tình của trẻ để mọi người không phản ứng một cách thái quá khi rối loạn tic ở trẻ xảy ra.
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, hay giáo dục hành vi, cha mẹ nên hạn chế sự căng thẳng về tâm lý ở trẻ. Đưa đi thăm khám ngay nếu thấy trẻ có các triệu chứng của hội chứng tic kéo dài. Hầu hết các trường hợp trẻ bị rối loạn tic đều có tiên lượng tốt nếu lựa chọn đúng phương pháp và điều trị kịp thời.