Sự phát triển của trẻ là cả quá trình kéo và liên tục, chịu nhiều ảnh hưởng bởi các yếu tố liên quan đến cách nuôi dưỡng và chăm sóc. Trong quá trình phát triển, bé có thể gặp phải các vấn đề liên quan đến khả năng giao tiếp, ứng xử, khả năng ngôn ngữ, chậm phát triển… Mời các bậc phụ huynh tham khảo ý kiến từ bác sĩ Nguyễn Phi Hùng – về các bệnh liên quan đến tâm lý của trẻ.
Câu hỏi của phụ huynh L.T.T nhà ở An Giang:
Bé nhà em gần 4 tuổi nhưng đến giờ bé vẫn chưa biết nói chuyện và biết đi. Em có cho bé đi khám bác sĩ thì vô tình có 1 bác sĩ bảo mẹ nên cho bé đi khám bên thần kinh vì thấy hành động và cử chỉ của bé có dấu hiệu của hội chứng tăng động. Vừa chuyện này lại vừa chuyên kia em không biết nên chữa thế nào trước cho bé nữa mong bác sĩ giúp em với. Em rối quá.
Trả lời:
Xin chào chị. Theo thông tin chị cung cấp, cháu bé hiện tại đã 4 tuổi mà chưa biết nói và chưa biết đi cho thấy bé có biểu hiện của tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ và chậm phát triển tâm vận động. Ngoài ra, mẹ còn cho biết thêm là bé có những biểu hiện gợi ý của chứng “tăng động” khi đi khám ở một bác sĩ, để biết rõ trẻ có bị chứng tăng động hay không chị nên sắp xếp cho cháu đi khám sớm chuyên khoa thần kinh và tâm lý để được thăm khám và kết luận chính xác.
—-
Câu hỏi của phụ huynh V.T.Đ nhà ở Bình Dương:
Dạ em chào bác sĩ. Bác cho em hỏi bé trai nhà em được 28 tháng mà chỉ nói được vài tiếng: Ba, xe, cái xe. Cách đây 7, 8 tháng bé nói được chó, gà, bông, đá, dạ. Nhưng giờ ko nói nữa chỉ a a , ba, xe là thường. Ngoài ra bé nghe hiểu và làm theo ạ.
Trả lời:
Xin chào bạn. Bé trai nhà bạn đã được 28 tháng và chỉ nói được một vài từ giao tiếp như bạn mô tả thì có nhiều khả năng trẻ đã bị chậm phát triển ngôn ngữ còn gọi bằng cụm từ dễ hiểu là trẻ bị “chậm nói”, tình trạng này ngày càng phổ biến ở trẻ em nhất là nhóm trẻ 2 – 3 tuổi đang bắt đầu tìm hiểu thế giới xung quanh trẻ. Một điều tốt ở trẻ như bạn nói là trẻ nghe hiều và làm theo yêu cầu của người khác đây cũng là điểm thuận lợi giúp gia đình củng cố và cải thiện khả năng ngôn ngữ của trẻ. Để tốt hơn cho trẻ và gia đình trong việc giúp phát triển kỹ năng ngôn ngữ hiện tại của cháu gia đình nên đăng ký cho trẻ khám tâm lý càng sớm càng tốt.
—-
Câu hỏi của phụ huynh N.T.N.H nhà ở Hà Nội:
Bác sĩ cho em hỏi, con em chạy suốt ngày không chịu lắng nghe khi mẹ hỏi, bé rất nghịch ngợm, không tập trung hay trọc ghẹo bạn cùng chơi. Con được 3 tuổi. Vậy em cần làm gì, có cần cho con đi khám không?
Trả lời:
Trả lời: Xin chào chị. Theo thông tin chị cung cấp, cháu bé hiện tại có những biểu hiện gợi ý của chứng “tăng động giảm chú ý”, chứng bệnh này thường làm cho cha mẹ lo lắng. Chị nên sắp xếp cho cháu đến khám tại khoa Tâm lý để được bác sĩ đánh giá và chẩn đoán xem cháu bé bị gì. Một số biện pháp tâm lý mà bố mẹ cố thể thực hiện với trẻ như: Giáo dục hành vi cho con, không bao giờ chê bai hay quát mắng nặng nề với trẻ, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể, chơi thể thao ngoài trời hoặc tập luyện các môn võ để rèn luyện tính kỷ luật và khả năng tập trung cho trẻ, dùng những lời lẽ đơn giản, cụ thể thay vì nói chung chung. Chào thân mến.
—-
Câu hỏi của phụ huynh V.T.H.H nhà ở Bà Rịa, Vũng Tàu:
Dạ cho em hỏi. Con em năm nay bé đã 26 tháng rưỡi. Nhưng bé nói rất ít chỉ bi bô bi ba vài tiếng. Bé rất dễ nổi nóng hay ăn vạ. Ngủ thì k ngon giấc hay quấy khóc. Giờ em phải làm sao ạ?
Trả lời:
Cám ơn chị đã đặt câu hỏi cho bác sĩ. Cháu bé đã 26 tháng mà chỉ nói vài từ bô bô bi bi… là trẻ đã bị chậm nói so với tuổi, tình trạng chậm nói thường gặp trong một số nhiễu loạn tâm lý. Chị nên cho cháu đi khám tâm lý sớm để biết được vấn đề tâm lý của trẻ là gì và sớm có biện pháp can thiệp phù hợp. Trân trọng.