Rối loạn ngôn ngữ là một bệnh tâm lý khiến trẻ em gặp nhiều trở ngại trong giao tiếp. Điều này gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe và giao tiếp xã hội của trẻ. Để hiểu rõ hơn về bệnh rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em, mời bố mẹ cùng theo dõi bài viết dưới đây:
Mục lục
Rối loạn ngôn ngữ là gì?
Rối loạn ngôn ngữ là một dạng di chứng não, do vùng não bộ đảm nhiệm chức năng ngôn ngữ bị suy yếu khiến người bệnh gặp các vấn đề khó khăn trong việc trao đổi thông tin, giao tiếp với những người xung quanh bằng lời nói. Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ thường nói khó, nói ngọng, khó diễn đạt bằng lời nói…
Dấu hiệu của rối loạn ngôn ngữ
Rối loạn ngôn ngữ thường xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bố mẹ có thể nhìn thấy những dấu hiệu sau ở trẻ bị rối loạn ngôn ngữ:
- Bỏ sót âm vị: Đây là tình trạng bé bỏ sót một âm vị đầu hay cuối như “a” thay vì nói “ba”, “uốn” thay vì nói “uống”
- Thay thế âm vị: Bé thay thế một âm vị này bằng một âm vị khác, ví dụ như “rồi” biến thành “gồi”
- Bé không phát âm được các âm rung lưỡi như “r” và “s”, “rổ” có thể trẻ sẽ phát âm thành cái “gổ”, “xách” thay vì “sách”
- Nói lắp: Trẻ lặp đi lặp lại hoặc kéo dài nhiều âm thanh, từ ngữ, trọng âm khiến mạch giao tiếp bị gián đoạn. Mẹ có thể thấy rõ tình trạng này khi bé mệt mỏi, bị kích động hoặc bị đưa vào các tình huống khó khăn.
Nhìn chung, trẻ bị dấu hiệu ngôn ngữ, khả năng nghe và nói của trẻ đều kém hơn so với các bạn bè cùng trang lứa và thường đi kèm với bệnh lý tự kỷ.
Các loại rối loạn ngôn ngữ
Một số dạng rối loạn ngôn ngữ thường gặp ở trẻ em như:
Rối loạn vận ngôn
Trẻ bị rối loạn vận ngôn thường có biểu hiện nói ngọng, rối loạn hơi thở, nói ngắt quãng, rối loạn phát âm ở thanh quản, biến đổi độ vang của âm. Ở những trẻ bị rối loạn vận ngôn thông thường, chúng có thể hoàn toàn hiểu lời nói và ý kiến của mình nhưng gặp phải vấn đề méo mó, sai lệch về ngữ âm khiến người nghe cảm thấy khó hiểu.
Trong trường hợp này, chỉ người thân hoặc những người đã tiếp xúc lâu dài mới có thể hiểu được ngôn ngữ của trẻ.
Rối loạn ngôn ngữ tiếp cận
Bố mẹ có thể thấy những biểu hiện của rối loạn ngôn ngữ tiếp cận một cách dễ dàng như sau:
- Trẻ không nói được những câu dài
- Không nắm bắt được nội dung xuyên suốt cuộc nói chuyện
- Khó khăn trong vấn đề đọc chữ và viết, có thể mất hoàn toàn khả năng ngôn ngữ
Tuy nhiên, việc diễn đạt suy nghĩ, mong muốn của trẻ vẫn diễn ra bình thường, họ chỉ không hiểu hoặc không tiếp nhận thông tin từ người khác qua lời nói.
Rối loạn ngôn ngữ biểu cảm
Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ biểu cảm thường gặp các vấn đề trong giao tiếp:
- Không tìm được từ để nói
- Mất nhiều thời gian suy nghĩ để nói một câu đơn giản
- Khó khăn khi trình bày nhu cầu, mong muốn và suy nghĩ của bản thân
Cách khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ cho trẻ
Khắc phục trẻ chậm nói
Diễn đạt thành lời những việc bạn làm: Cha mẹ cần kiên nhẫn giải thích cho trẻ bằng lời những việc đang làm giúp con mở rộng vốn từ và gắn kết các từ với đồ vật và sự vật trong cuộc sống.
Tăng quỹ từ mới cho trẻ: Đưa trẻ dạo quanh khu nhà và nói cho trẻ tất cả những gì mình thấy là một cách rất tốt giúp trẻ làm quen từ mới.
Cùng con đọc sách: Hãy tạo thói quen đọc sách cho con hàng ngày khi cha mẹ rảnh rỗi, giúp bé làm quen với các từ mới, những vần điệu mới.
Hát cho bé nghe: Bố mẹ hát cho con nghe các bài hát thiếu nhi là cách tốt nhất để giúp trẻ ghi nhớ những từ mới, dạy trẻ phát âm đúng các từ chỉ màu sắc, tên các con thú và nhiều khái niệm đơn giản khác.
Nếu bố mẹ thấy trẻ tiến bộ rất ít hoặc không tiến bộ thì nên tìm kiếm sự trợ giúp của các chuyên gia.
Khắc phục trẻ nói lắp
Nói lắp là một dạng rối loạn lời nói trong đó dòng chảy của ngôn ngữ, các âm thanh hay từ ngữ bị lặp lại hoặc kéo dài. Trẻ gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu một câu nói. Cha mẹ có thể giúp con bằng cách:
- Nói với con một cách từ tốn
- Các thành viên trong gia đình không cắt ngang lời nhau, không tranh nhau nói.
- Luôn nở nụ cười và kiên nhẫn để trẻ bớt căng thẳng khi giao tiếp. Trẻ nhỏ thường nói lắp khi căng thẳng, vì vậy cha mẹ hãy cố gắng cho trẻ một không gian thoải mái và yên bình khi ở nhà. Làm như vậy giúp giảm bớt sự lo lắng cho trẻ.
- Khi nói chuyện với trẻ, hãy giao tiếp bằng mắt nhiều và nói từ từ. Điều này giúp trẻ bắt chước theo những hành động của bạn.
Phòng tránh rối loạn ngôn ngữ ở trẻ
Để hạn chế tối đa trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, lời khuyên từ các chuyên gia tâm lý đó là các bậc phụ huynh và người thân trong gia đình phải tránh và hạn chế trẻ từ 0 – 3 tuổi tiếp xúc với máy tính, tivi, máy chơi game, điện thoại… vì đây là giai đoạn trẻ em bắt đầu xây dựng những cơ sở về khả năng ngôn ngữ của mình.
Bố mẹ, người thân trong gia đình và thầy cô luôn khuyến khích khả năng nói, hát, tham gia các trò chơi và tăng cường tiếp xúc các hoạt động hấp dẫn, giúp trẻ mạnh mẽ hơn trong giao tiếp và biết sử dụng các từ ngữ cần thiết để biểu đạt nhu cầu hay biểu lộ tình cảm của mình. Khi dạy trẻ nghe và nói, phụ huynh không nên gò ép trẻ cần có tiến bộ ngay trong việc học các từ mới hay các câu nói mới mà cần kiên trì dạy trẻ mỗi ngày một số từ mới và một số câu mới.
Bố mẹ thường xuyên đọc sách cho trẻ nghe. Những câu chuyện có thể thu hút sự chú ý của trẻ, giúp trẻ học được nhiều từ mới nhanh hơn. Khi đọc truyện cho trẻ, bố mẹ chỉ rõ vào cái vây, con chó, hay xe hơi… nói to, rõ ràng, tỉ mỉ những con vật và đồ vật đó.