Dinh dưỡng trong những năm đầu đời có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là não bộ. Bài viết này giúp cha mẹ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dinh dưỡng với chỉ số thông minh của các bé. Hãy tìm hiểu cùng chúng tôi nhé.
Mục lục
Trí thông minh là gì?
Trong khoa học, thuật ngữ trí thông minh được định nghĩa là “Toàn bộ khả năng nhận thức hoặc trí tuệ cần thiết để có được kiến thức và sử dụng kiến thức đó một cách tốt, nhằm giải quyết các vấn đề có mục tiêu và cấu trúc được mô tả rõ ràng“.
Trong ngôn ngữ thông thường, người ta có thể nói rằng trí thông minh đề cập đến mức độ thông minh hay khéo léo của bạn.
IQ là từ viết tắt của Intelligence Quotient. Vậy chỉ số IQ là gì?
Chỉ số IQ là thước đo trí thông minh của bạn và được thể hiện bằng một con số. Chỉ số IQ thường được cho là có liên quan đến sự thành công trong học tập, trong công việc và trong xã hội, những nghiên cứu gần đây cho thấy có sự liên quan giữa IQ và sức khỏe, tuổi thọ (những người thông minh thường có nhiều kiến thức hơn trong việc chăm sóc bản thân) và cả số lượng từ mà người đó sử dụng.
Chỉ số IQ của một người có thể được tính bằng cách yêu cầu người đó làm bài kiểm tra trí thông minh. Chỉ số IQ trung bình là 100. Nếu bạn đạt được điểm cao hơn 100, bạn thông minh hơn người bình thường, và điểm thấp hơn có nghĩa là bạn (phần nào) kém thông minh hơn.
Chỉ số IQ cho biết điểm số của bạn trong một bài kiểm tra trí thông minh cụ thể, thường được so sánh với nhóm tuổi của bạn. Bài kiểm tra có điểm trung bình là 100 điểm và độ lệch chuẩn là 15 điểm. Độ lệch chuẩn này có nghĩa là gì? Có nghĩa là 68% dân số đạt chỉ số IQ trong khoảng 85-115. Và 95 phần trăm dân số đó đạt điểm trong khoảng 70-130.
Dấu hiệu nhận biết trẻ em có chỉ số IQ cao
- Trẻ sơ sinh có vòng đầu khá lớn thì rất có khả năng sẽ trí thông minh vượt trội.
- Trẻ có khả năng tập trung cao độ và ghi nhớ chi tiết.
- Bé hỏi rất nhiều. Các bé dường như luôn có mười vạn câu hỏi vì sao, bé thắc mắc rất nhiều sự vật, hiện tượng trong cuộc sống xung quanh.
- Trẻ nhanh biết nói và có khả năng sử dụng ngôn ngữ lưu loát là một biểu hiện trẻ có chỉ số thông minh cao.
- Trẻ có năng khiếu thể thao, vận động chứng tỏ độ kết nối cao của các tế bào thần kinh. Hệ thần kinh càng nhạy bén thì trẻ càng thông minh.
Các yếu tố quyết định trẻ có thông minh hay không?
Di truyền là yếu tố quyết định đến trí thông minh của trẻ nhỏ. Thông thường, bố mẹ có chỉ số IQ cao thì người con cũng được thừa hưởng gen này và chỉ số thông minh cũng không thấp.
Tuy nhiên, điều đó không nói lên rằng, nếu bố mẹ có chỉ số thông minh thấp thì con đương nhiên kém thông minh. Bởi vì, việc trẻ có thông minh hay không, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như nguồn sữa mẹ, môi trường sống, thể trạng của trẻ và một yếu tố cực kỳ quan trọng, đó là chế độ dinh dưỡng.
Mối quan hệ giữa dinh dưỡng và chỉ số IQ của trẻ em
Dinh dưỡng và sự phát triển trí não của thai nhi
Khi nói đến mối quan hệ giữa dinh dưỡng và trí thông minh, nên bắt đầu từ quá trình người mẹ mang thai, vì mức độ thông minh có liên quan đến sự phát triển của hệ thần kinh. Giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi là từ tuần thứ 10 đến tuần thứ 18. Ở giai đoạn này, số lượng tế bào thần kinh của thai nhi đã bằng số lượng của người lớn. Nếu có chế độ dinh dưỡng kém trong thai kỳ, điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi.
Dinh dưỡng và chỉ số thông minh của trẻ trong những năm đầu đời
Vòng đầu của trẻ tăng nhanh sau khi sinh, đặc biệt là trong vòng hai năm đầu đời. Điều này cho thấy não bộ của chúng cũng đang phát triển nhanh chóng. Nếu dinh dưỡng cung cấp vào giai đoạn này không đủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ.
Các nghiên cứu, quan sát và theo dõi trẻ suy dinh dưỡng cho thấy trong vòng 6 tháng sau sinh không những không tăng cân, chậm lớn mà còn tụt hậu so với trẻ bình thường về phát triển trí tuệ và vận động. Ngay cả khi tình trạng suy dinh dưỡng và tăng cân được khắc phục trong tương lai, thì sự chậm phát triển trí tuệ cũng không thể bù đắp được. Nhưng nếu sau 2 đến 3 tuổi mới bị suy dinh dưỡng, thì chỉ cần khắc phục được tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng này thì trí tuệ, hình thể và khả năng vận động của trẻ đều có thể trở lại bình thường.
Điều này cho thấy nếu cung cấp dinh dưỡng không đủ trong quá trình phát triển nhanh chóng của não, nó có thể gây ảnh hưởng khó phục hồi đến trí thông minh. Suy dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến chức năng của não mà còn ảnh hưởng đến sự thay đổi hình thái của não như teo não ở các mức độ khác nhau.
Não là cơ quan quan trọng của hệ thần kinh con người, việc cung cấp chất dinh dưỡng cho não có hợp lý hay không liên quan trực tiếp đến việc nâng cao phát triển trí tuệ và thể lực.
Cơ chế mà dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức. Đầu tiên, việc tiêu thụ thức ăn ảnh hưởng đến sự sẵn có của các tiền chất cần thiết cho quá trình tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh. Thứ hai, thực phẩm đóng vai trò là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất, là đồng yếu tố cần thiết cho các enzym tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh. Thứ ba, chất béo trong chế độ ăn uống làm thay đổi thành phần của màng tế bào thần kinh và vỏ myelin, và điều đó ảnh hưởng đến chức năng tế bào thần kinh.
Các chất dinh dưỡng nào ảnh hưởng đến trí não và hệ thần kinh của bé?
1. Protein và Taurine
Các chất dinh dưỡng có lợi cho trí tuệ của trẻ thường được kể đến như Protein và Taurine, chúng liên quan mật thiết đến sự phát triển của não bộ. Protein là một trong những thành phần quan trọng của tế bào não, chiếm khoảng 35% thân não, có tác dụng kích thích hoặc kìm hãm sự hưng phấn của não bộ. Quá trình học tập, trí nhớ, ngôn ngữ, tư duy và các hoạt động trí tuệ khác của trẻ đều đòi hỏi sự tổng hợp protein. Quá trình trao đổi chất của tế bào não cũng cần đến protein. Có thể nói, chất đạm là cơ sở vật chất của hoạt động trí tuệ.
Các chất này tồn tại nhiều trong sữa mẹ và cũng sẵn có trong các thực phẩm phổ biến như thịt, cá, trứng sữa. Các axit béo thiết yếu nên chiếm từ 1% đến 3% nhiệt năng, đồng thời nó cũng liên quan mật thiết đến sự phát triển của não bộ và sự hình thành myelin thần kinh.
2. Axit béo omega-3
Axit béo omega-3 là chất béo chiếm 60% trọng lượng não bộ. Omega-3 là các chất béo không no thiết yếu bao gồm 3 loại chính: DHA, EPA và ALA. Thời điểm vàng trong 1000 ngày đầu đời của trẻ nhỏ cần được cung cấp đầy đủ hàm lượng axit omega-3 và các dưỡng chất cần thiết cho hoạt động của trí não và kích thích quá trình ghi nhớ, sáng tạo.
Chất béo cung cấp năng lượng quan trọng và giúp hấp thu các vitamin cần thiết như vitamin A, D, E, K cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Các axit béo omega-3 tồn tại trong sữa mẹ đạt được tỷ lệ vàng giúp trẻ hấp thụ dinh dưỡng tối đa. Vì thế sữa mẹ luôn là nguồn dưỡng chất đầy đủ và tốt nhất cho sự phát triển và trí thông minh của trẻ nhỏ.
Chính vì vậy, ngay từ khi mang bầu hay cho con bú người mẹ hãy lưu ý bổ sung chất dinh dưỡng thiết yếu này để có thể cung cấp cho con tại thời điểm tốt nhất.
Ngoài ra trong chế độ ăn uống hằng ngày của trẻ nhỏ, cha mẹ nên lưu ý cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu DHA, EPA như cá hồi, cá chép, cá thu, cá ngừ, động vật nhuyễn thể, rong biển,…hoặc dùng các sản phẩm chứa omega-3 tổng hợp như dầu cá, thực phẩm chức năng bổ sung omega-3 khác.
3. Vitamin và khoáng chất
Thiếu các nguyên tố vi lượng cũng ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ. Thiếu sắt có thể gây ra bệnh thiếu máu, và trước khi xuất hiện các triệu chứng thiếu máu thì trẻ đã có các biểu hiện như dễ cáu giận, giảm trí nhớ, kém chú ý dẫn đến học hành sa sút. Các triệu chứng như vậy sẽ biến mất sau khi bổ sung sắt. Chế độ ăn thiếu kẽm có thể khiến kẽm trong máu của trẻ bị giảm, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của trí tuệ. Thiếu iốt sẽ ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp thyroxine, trong khi thyroxine là chất có thể thúc đẩy sự phát triển của não bộ. Thiếu vitamin B1 và B6 có thể gây co giật và ảnh hưởng đến trí thông minh sau này của trẻ.
Qua bài viết này, có thể thấy rằng chế độ dinh dưỡng có sự ảnh hưởng quan trọng với quá trình phát triển của trẻ, nhất là trí tuệ. Sự thiếu hụt dinh dưỡng trong những năm đầu đời có thể khiến số lượng tế bào não thấp và khả năng dẫn truyền của tế bào thần kinh kém dẫn đến trẻ kém thông minh và rất khó khôi phục về sau. Vì thế, các bậc phụ huynh hãy hết sức quan tâm đến việc cung cấp dinh dưỡng cho bé đúng cách, đúng thời điểm để bé khỏe mạnh về thể chất và có trí thông minh vượt trội. Cảm ơn bạn đọc!