Còi xương là một trong những bệnh về xương phổ biến trên toàn thế giới. Còi xương gây ảnh hưởng đến quá trình khoáng hóa xương, khiến xương phát triển kém và có thể bị dị tật (chân vòng kiềng hoặc đầu gối gập). Vậy làm thế nào để nhận biết nguy cơ còi xương ở trẻ, nguyên nhân và cách phòng tránh? Mời các bạn cùng Blackwell.vn tìm hiểu chi tiết trong bài viết này.
- Làm thế nào để biết con đang bị còi xương, nguyên nhân do đâu và cách điều trị như thế nào?
Mục lục
Dấu hiệu nhận biết trẻ còi xương
Còi xương không chỉ khiến trẻ gặp khó khăn trong việc phát triển tầm vóc để đạt được chiều cao chuẩn theo độ tuổi mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Bằng cách nắm được những dấu hiệu nhận biết trẻ còi xương, cha mẹ sẽ có biện pháp kịp thời để giúp trẻ tăng trưởng và phát triển toàn diện.
Rối loạn tăng trưởng và phát triển
Chiều cao của trẻ còi xương có thể thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng và phát triển trung bình của độ tuổi. Điều này là do sự chuyển hóa xương của trẻ bị suy giảm do còi xương.
Thường xuyên bị đau nhức khi hoạt động
Nếu cơ thể trẻ thường xuyên xuất hiện những cơn đau nhức xương, đặc biệt là khi có áp lực tác động lên chúng, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang có nguy cơ bị còi xương. Tình trạng đau nhức này còn có thể làm ảnh hưởng đến dáng đi và việc thực hiện các hoạt động của trẻ.
Xương rất dễ bị gãy
Canxi là thành phần chính đối với sức khỏe cũng như sự phát triển của xương. Đối với trẻ còi xương, hàm lượng Canxi thường rất thấp, chất xương cũng vì vậy mà giảm đi khiến xương yếu ớt, tăng khả năng gãy xương.
Yếu cơ
Yếu cơ cũng là một dấu hiệu phổ biến ở những trẻ còi xương. Đối với trẻ sơ sinh, tình trạng còi xương có thể dẫn đến việc chậm đạt được các mốc phát triển nhất định như ngồi, đứng, đi bộ hoặc nhảy.
Vấn đề về răng miệng
Khi trẻ bị còi xương, các vấn đề về răng miệng cũng rất dễ xuất hiện. Phổ biến nhất là tình trạng khiếm khuyết men răng, ngoài ra tốc độ phát triển răng cũng rất chậm và tăng nguy cơ bị sâu răng.
Trẻ có thể bị động kinh
Canxi là một trong những dưỡng chất rất cần thiết cho hoạt động dẫn truyền thần kinh. Sự suy giảm nồng độ Canxi ở trẻ còi xương có thể gây ra hiện tượng co giật, động kinh.
Dễ mắc bệnh
Tình trạng thiếu hụt vitamin D, Canxi ở trẻ còi xương khiến sức khỏe của hệ miễn dịch bị suy yếu. Điều này tạo điều kiện cho sự xâm nhập dễ dàng của các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh. Do đó, trẻ còi xương rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
- Dị tật xương, bao gồm hộp sọ có hình dạng bất thường, có thể là dấu hiệu của bệnh còi xương
Dị tật
Khi trẻ bị còi xương, khả năng dị tật ở các vị trí xương trên cơ thể cũng cao hơn. Các tình trạng phổ biến có thể là:
- Xương ở các vị trí như mắt cá chân, cổ tay và đầu gối có thể dày lên
- Các xương dài ở vùng cánh tay và chân bị cong (chân vòng kiềng)
- Mềm xương sọ, một số ít trẻ có thể bị cong cột sống
Trẻ còi xương do nguyên nhân nào?
Có 3 nguyên nhân gây ra tình trạng còi xương ở trẻ, bao gồm: Còi xương do thiếu vitamin D; Còi xương do di truyền hoặc còi xương do mắc các bệnh toàn thân tiềm ẩn. Dưới đây là những phân tích sâu về 3 nguyên nhân này.
Trẻ còi xương do thiếu hụt vitamin D
Vitamin D là dưỡng chất không thể thiếu trong quá trình hấp thụ Canxi. Do đó, sự thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến lượng Canxi thấp. Khi điều này xảy ra, lượng Canxi có sẵn trong xương sẽ bị lấy đi để duy trì hoạt động khác của cơ thể, khiến xương của trẻ yếu, mềm hơn và dẫn đến tình trạng còi xương.
Thiếu hụt vitamin D ở trẻ là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Bên cạnh chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng, vẫn còn một số yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng này.
Thiếu ánh sáng mặt trời
Tia UV từ ánh sáng mặt trời giúp các tế bào da chuyển đổi tiền chất của vitamin D từ trạng thái không hoạt động sang trạng thái hoạt động, từ đó sản xuất vitamin D cho cơ thể. Nếu trẻ dành phần lớn thời gian ở trong nhà, quá trình này sẽ không thể diễn ra do thiếu ánh nắng mặt trời.
Có làn da sẫm màu
Làn da sẫm màu hoạt động như một chất chống nắng tự nhiên. Do đó, những trẻ có làn da sẫm màu thường có nguy cơ cao bị thiếu hụt vitamin D.
Sữa mẹ không có đủ vitamin D
Đối với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn duy nhất bổ sung vitamin D. Tuy nhiên, nếu bản thân người mẹ bị thiếu vitamin D, khả năng trẻ thiếu vitamin D càng cao.
- Trẻ bị còi xương có thể bị chân vòng kiềng
Trẻ còi xương do di truyền
Trong một số trường hợp, tình trạng còi xương ở trẻ có thể do di truyền. Dạng còi xương do di truyền phổ biến nhất được gọi là còi xương giảm Phốt pho máu.
Hình thức này dựa trên đột biến ở một số gen liên quan đến chuyển hóa Phốt pho. Kết quả là thận mất khả năng giữ lại khoáng chất này trong cơ thể và tăng đào thải qua nước tiểu, từ đó xương trở nên yếu và mềm hơn.
Trẻ còi xương do mắc bệnh
Một số bệnh như Celia (không dung nạp Gluten), bệnh Crohn (viêm ruột xuyên thành mãn tính) hoặc các bệnh về gan, thận làm ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ hoặc chuyển hóa vitamin và khoáng chất. Điều này gây thiếu hụt vitamin D, Canxi hoặc Phốt pho.
Điều trị còi xương ở trẻ như thế nào?
Việc điều trị còi xương ở trẻ phụ thuộc vào nguyên nhân như đã được đề cập phía trên. Trong trường hợp trẻ còi xương do di truyền hoặc do mắc các bệnh tiềm ẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc và những lưu ý để khắc phục tình trạng này.
Trong trường hợp còi xương do thiếu hụt dưỡng chất, trẻ sẽ được điều trị bằng cách bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Chẳng hạn, nếu trẻ bị thiếu vitamin D, cha mẹ nên tăng cường cho trẻ tiếp xúc với ánh mặt trời, đồng thời chú ý vào thực phẩm giàu dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ. Ngoài ra, sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) hỗ trợ bổ sung vitamin D cũng là điều cần thiết.
Nếu còi xương ở trẻ đã phát triển thành dị tật, bác sĩ có thể sử dụng niềng để định vị xương. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, trẻ có thể cần phẫu thuật để điều chỉnh.
Còi xương có thể ngăn ngừa được không?
Nếu xương được nuôi dưỡng khỏe mạnh ngay từ thời thơ ấu, tỷ lệ mắc các bệnh về xương của trẻ sau này cũng được giảm thiểu đáng kể. Đó là lý do tại sao, việc bổ sung vitamin D, Canxi và các dưỡng chất cần thiết cho xương và cơ thể lại trở nên quan trọng đến vậy.
Để đề phòng tình trạng còi xương và giúp trẻ có một hệ xương khỏe mạnh, cha mẹ nên:
Cho trẻ ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng
Các chất dinh dưỡng có lợi cho xương cũng như cơ thể rất dồi dào trong các loại thực phẩm tự nhiên. Do đó, cha mẹ nên kết hợp các thực phẩm giàu dinh dưỡng này trong bữa ăn của con.
- Một số loại thực phẩm giàu Canxi: Rau lá xanh (đặc biệt là họ nhà cải như cải chíp, cải xoăn, bông cải xanh,…), hải sản (đặc biệt là động vật có vỏ), các loại hạt và đậu, sữa và chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua).
- Một số loại thực phẩm giàu vitamin D: Lòng đỏ trứng, các loại cá béo (cá hồi, cá thu, cá ngừ), nấm hạt dẻ, sữa đậu nành,…
Cha mẹ cũng cần chú ý đến việc lựa chọn, bảo quản và chế biến thực phẩm đúng cách để bảo toàn lượng dinh dưỡng vốn có của món ăn.
Cho trẻ tiếp xúc với ánh mặt trời
- Tắm nắng là một cách bổ sung vitamin D cho trẻ còi xương
Cơ thể sẽ tạo ra vitamin D khi da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vào khoảng 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Do đó, thay vì chỉ cho con quanh quẩn trong nhà, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ ra ngoài tắm nắng hoặc thực hiện các hoạt động ngoài trời trong khung giờ kể trên.
Thời lượng cho trẻ tắm nắng cũng là điều cha mẹ cần chú ý, bởi lẽ tiếp xúc với ánh nắng quá lâu có thể tăng tỷ lệ mắc các bệnh về da. Theo đó, thời gian tắm nắng chỉ nên kéo dài từ 10 đến 15 phút. Đồng thời, cha mẹ nên cho trẻ đội mũ để che đỉnh đầu và mang kính mát để bảo vệ mắt.
Khuyến khích trẻ tập thể dục mỗi ngày
Tập thể dục mỗi ngày giúp cho hệ thống xương – sụn – khớp được tăng cường sự linh hoạt và phát triển khỏe mạnh hơn. Đặc biệt, các hoạt động như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội sẽ mang lại lợi ích rất lớn trong quá trình xây dựng xương.
Sử dụng sản phẩm hỗ trợ cho trẻ
Hàm lượng vitamin D và Canxi có trong thực phẩm có thể hao hụt do chế biến hoặc bảo quản không đúng cách. Trong khi đó việc sử dụng kem chống nắng hoặc thời tiết xấu có thể ngăn da sản xuất vitamin D. Khi này, sử dụng TPBVSK hỗ trợ bổ sung vitamin D và Canxi cho trẻ là điều cần thiết.
Tuy nhiên, khi cho trẻ sử dụng các sản phẩm hỗ trợ, cha mẹ cần nắm được lượng vitamin D và Canxi cần bổ sung mỗi ngày để tránh gây quá liều dẫn đến tác dụng phụ.
Hàm lượng vitamin D cần đáp ứng cho cơ thể mỗi ngày (Theo khuyến nghị của Viện Y tế Quốc gia – NIH):
- 400 IU (10 mcg) đối với trẻ sơ sinh từ 0 – 12 tháng tuổi
- 600 IU (15 mcg) đối với trẻ em từ 1 – 18 tuổi
Hàm lượng Canxi đủ để đáp ứng cho sự phát triển của trẻ mỗi ngày (Theo khuyến nghị của Viện Y tế Quốc gia – NIH):
- 200mg đối với trẻ sơ sinh từ 0 – 6 tháng tuổi
- 260mg đối với trẻ sơ sinh từ 6 – 12 tháng tuổi
- 700mg đối với trẻ từ 1 – 3 tuổi
- 1.000mg đối với trẻ từ 4 – 8 tuổi
- 1.300mg đối với trẻ em và thanh thiếu niên từ 9 – 18 tuổi
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần có thói quen đọc bảng thành phần, kiểm tra xuất xứ, nơi sản xuất của sản phẩm và đặt mua ở những địa chỉ uy tín, tránh tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
- Trẻ còi xương nên được sử dụng thực phẩm hỗ trợ để đảm bảo cơ thể có đủ dưỡng chất
Còi xương ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ trong tương lai, đồng thời tiềm ẩn nhiều dị tật nghiêm trọng. Tùy thuộc vào nguyên nhân, các bác sĩ sẽ đề xuất những cách điều trị khác nhau. Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh còi xương ở trẻ là thực hiện một chế độ ăn uống giàu dưỡng chất, thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tập thể dục và sử dụng sản phẩm hỗ trợ. Hy vọng rằng, những thông tin Dr. Blackwell mang đến sẽ giúp ích cho cha mẹ trong hành trình nuôi con cao lớn, khỏe mạnh.